TT – Nhiều người bẩm sinh mang gương mặt góc cạnh, gò má cao, miệng hô (vẩu), cằm móm, hàm lệch… Có người bị khiếm khuyết này ảnh hưởng cả khẩu hình, âm ngữ.
TS BS Lê Tấn Hùng đang phẫu thuật chỉnh sửa biến dạng hàm mặt cho bệnh nhân tại BV Răng Hàm Mặt TPCHM
Tuy nhiên, hiện nhiều người có thể tự tin về ngoại hình khi được y bác sĩ trong nước chỉnh sửa mà không cần đi nước ngoài.
Anh Huỳnh Minh Hậu (24 tuổi, TP.HCM) bị tạo hóa “bắt” mang một cái cằm móm, khiến hàm trên của anh bị thụt vào, hàm dưới đẩy ra khi nhìn nghiêng.
Do công việc hằng ngày tiếp xúc với nhiều người nên anh Hậu luôn mất tự tin khi giao tiếp.
Trước khi đến Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM phẫu thuật sửa hàm móm, anh Hậu từng đến một bệnh viện ở Thái Lan tìm hiểu việc phẫu thuật.
Sau đó anh lại đến một bệnh viện thẩm mỹ tư nhân ở TP.HCM khám. Tại đây, sau khi khám, chụp hình xương hàm dưới và lấy mẫu xương hàm, bác sĩ của bệnh viện này tư vấn cho anh phải trả qua ba giai đoạn điều trị: chỉnh nha khoảng sáu tháng, phẫu thuật chỉnh xương hàm và tiếp tục chỉnh nha thêm sáu tháng nữa sau phẫu thuật.
Tuy nhiên sau khi lên mạng tìm hiểu, anh Hậu quyết định đến Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Răng hàm mặt TP, anh Hậu được bác sĩ tư vấn cắt hàm rời ra để đẩy lùi hàm dưới vào 5mm. Sau đó định hình lại hàm bằng hai vít titan bắt chặt lại hàm hai bên. Sáu tháng sau mổ mới phải chỉnh nha mà không cần chỉnh nha trước do hai hàm răng của anh chênh lệch nhau không nhiều. Chỉnh nha xong thì răng đều và đẹp hơn, khi ăn dễ nhai hơn.
“Ngày 7-12, tôi được phẫu thuật và chỉ sau bốn ngày tôi xuất viện. Bây giờ nhìn nghiêng gương mặt của tôi đã đều cả về chiều dài và mặt, môi, cằm không còn bị chĩa ra như trước nữa” – anh Hậu vui vẻ kể.
Nên nắn xương hàm từ nhỏ
Theo TS.BS Lê Tấn Hùng – trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt TP, gương mặt được xem là cân đối, ưa nhìn khi có hàm răng đều, chắc, khỏe, cấu trúc khuôn mặt có ba tầng đều nhau: đỉnh trán đến lông mày, lông mày đến chân mũi, chân mũi đến chân cằm.
Song không phải ai cũng có gương mặt hài hòa với ba tầng đều nhau. Đặc biệt, ở phụ nữ Á Đông xương hàm thường có xu hướng nhô về phía trước hơn phụ nữ da trắng nên số phụ nữ VN có khuôn mặt trái xoan không nhiều.
Theo TS Tấn Hùng, một số thống kê sơ bộ của VN cho thấy có trên 30% trẻ em bị biến dạng xương hàm bẩm sinh, gần 50% người lớn có chi tiết khó coi về hàm mặt do không được điều trị nắn chỉnh các biến dạng xương hàm từ khi còn nhỏ. Trong khi xương hàm không chỉ có nhiệm vụ giúp bệnh nhân ăn nhai được, giúp cho gương mặt thẩm mỹ mà còn giúp việc phát âm rõ ràng, chuẩn xác.
Xương hàm bị biến dạng, mất cân đối không chỉ khiến gương mặt mất vẻ đẹp, sự duyên dáng mà còn khiến người ta lo lắng, buồn phiền, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cụ thể, nếu xương hàm phát triển quá mức (đưa ra trước nhiều, xương hàm hẹp) sẽ ảnh hưởng đến chức năng phát âm, ảnh hưởng chức năng hô hấp dẫn đến phải thở miệng, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Biến dạng xương hàm còn làm ảnh hưởng đến chức năng nhai như nhai khó, ăn uống khó khăn, gây những bệnh đường tiêu hóa.
Để khi trưởng thành có gương mặt cân đối, hài hòa, ngay từ nhỏ những trẻ bị biến dạng xương hàm bẩm sinh cần được nắn chỉnh xương hàm bằng khí cụ chỉnh hình. Việc nắn chỉnh chỉ có thể thực hiện khi trẻ ở độ tuổi 9-15 do tuổi này xương của trẻ còn đang phát triển nên việc uốn nắn xương hàm về vị trí đúng dễ thực hiện hơn.
Chỉnh hình hàm mặt
Với người trưởng thành có khuôn mặt bất cân xứng (gò má cao, mặt bạnh, cằm vuông), xương hàm bị biến dạng, theo TS Tấn Hùng, y học ngày nay có thể chỉnh sửa được hầu hết để trả lại vẻ đẹp tự nhiên, cân đối cho gương mặt bệnh nhân.
Đặc biệt tay nghề của bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt có nhiều tiến bộ, máy móc trang thiết bị cần thiết cho việc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt của nhiều bệnh viện cũng rất hiện đại.
Việc phẫu thuật cắt xương góc hàm, chỉnh sửa các biến dạng xương hàm hay tạo hình gương mặt trái xoan hiện không còn lo ngại sẹo do đường mổ nằm trong miệng, nên nhiều phụ nữ đã chỉnh sửa khuôn mặt trong nước và không còn phải đi nước ngoài như trước.
Tuy nhiên để có kết quả phẫu thuật đẹp nhất, trước khi mổ bệnh nhân phải được bác sĩ khám thật kỹ gương mặt cả về mô cứng (xương) lẫn mô mềm (da, cơ). Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Còn bệnh nhân cần cho bác sĩ biết mình muốn có gương mặt thế nào để hai bên cùng thảo luận, thống nhất xem yêu cầu của bệnh nhân có thực hiện được không, được tới đâu, phẫu thuật đó có thể gặp tai biến gì…
Ngoài ra, bác sĩ còn kết hợp chỉ số nhân trắc học và dữ liệu trên phim X-quang để có phương án phẫu thuật đạt kết quả thẩm mỹ cao nhất cũng như lường định trước những tai biến có thể xảy ra. Đồng thời dựa trên dữ liệu CT-scanner ba chiều đánh giá mô xương bên dưới cũng như hoạch định đường cắt xương thế nào cho hợp lý.
Ngoài ra, bệnh nhân phải có đủ sức khỏe để trải qua cuộc mổ kéo dài dưới gây mê từ 1 đến 2 tiếng và được xét nghiệm chức năng gan, thận, điện tâm đồ, chụp phim phổi, phim sọ mặt nhằm đánh giá toàn bộ tình trạng sức khỏe trước mổ.
Theo TS Tấn Hùng, với các phẫu thuật chỉnh sửa vấn đề của xương hàm như hô, móm, cằm lẹm hoặc gò má cao… đường mổ để chỉnh sửa đều thực hiện trong miệng nên không để lại sẹo.
Một là hô: xương hàm trên đưa ra trước quá mức, hoặc xương hàm dưới lui ra phía sau quá mức.
Hai là móm: xương hàm dưới đưa ra trước quá mức hoặc xương hàm trên lui ra sau quá mức.
Ba là hàm bị lệch: xương hàm dưới vươn sang bên phải, xương hàm trên vươn ra bên trái.
Bốn là hở khớp cắn: khi bệnh nhân cắn chặt răng thì những răng phía sau chạm được nhau nhưng những răng phía trước lại hở.
Năm là xương hàm trên quá dài khiến bệnh nhân khi cười bị lộ nướu rất trầm trọng.
Tham khảo thêm: http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160112/sua-khiem-khuyet-cua-guong-mat/1036588.htm
l