Tạo hình thẩm mỹ cằm là loại phẫu thuật đơn giản và mức độ phổ biến chỉ đứng thứ hai sau tạo hình thẩm mỹ mũi. Không chỉ ảnh hưởng đến gần một phần ba khuôn mặt, chiếc cằm phù hợp còn giúp bạn trông tươi trẻ, nữ tính, đằm thắm hay cá tính hơn
Theo quan niệm Á Đông, một chiếc cằm chuẩn khi nhìn ngang sẽ cùng nằm trên một đường thẳng với đỉnh mũi, môi trên và môi dưới. Trong quan niệm phương Tây thì một chiếc cằm đẹp sẽ nằm trên đường thẳng đi qua điểm giữa của cánh mũi, môi trên và môi dưới. Như vậy, nếu chiếc cằm nằm lệch sang trái/phải hay trên/dưới hoặc to, dài, ngắn, lẹm hoặc nhô quá đều có thể khiến cho khuôn mặt bạn trở nên bất đối xứng. Theo TS BS Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, có nhiều phương pháp trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ có thể khắc phục nhược điểm của chiếc cằm, khiến khuôn mặt trông hài hòa, xinh đẹp hơn.
Độn cằm: Là giải pháp được áp dụng với trường hợp cằm bị lẹm (cằm ở phía sau so với đường thẳng chuẩn). Cằm lẹm cũng là khiếm khuyết thường gặp ở phụ nữ Á Đông. Hiện có nhiều kỹ thuật độn cằm, đơn giản nhất là tiêm các chất làm đầy (filler) để cho cằm nhô ra. Cách này có ưu điểm là cải thiện nhanh chóng, có kết quả ngay, không gây đau đớn nhiều. Tuy nhiên, chất làm đầy lại chỉ có hiệu quả trong khoảng sáu tháng đến một năm, nếu muốn duy trì phải tiếp tục bơm thêm. Hơn nữa, tiêm filler cũng chỉ phù hợp khi độ lẹm của cằm không quá nhiều. Cách thứ hai, bác sĩ sẽ đưa một số vật liệu nhân tạo như silicon, medpor hay Gore-Tex đặt vào cằm từ một đường rạch trong miệng sau khi gây tê. Trong đó, silicon là vật liệu có tính an toàn và rẻ tiền hơn cả. Nhằm tránh việc silicon bị dịch chuyển gây mất thẩm mỹ, bác sĩ sẽ cố định chúng bằng vít. Cách này có thể khắc phục hoàn toàn nhược điểm cằm lẹm suốt đời, song khả năng bị nhiễm trùng hoặc vật liệu đưa vào bị cơ thể đào thải lại khá cao.
Chỉnh hình cằm: Giải quyết được các khiếm khuyết liên quan như cằm bị lẹm, dài, ngắn, lệch, vẹo, nhô, to… bằng cách can thiệp vào xương cằm. Nếu cằm dài hoặc to sẽ được gọt bớt cho ngắn hay thon, hài hòa với khuôn mặt; nếu cằm bị ngắn, bác sĩ sẽ cắt rời ra và dùng xương góc hàm hoặc xương chậu để chêm vào; trường hợp cằm lẹm sẽ được cắt rời ra và đẩy về phía trước; khi cằm bị lệch, vẹo cũng sẽ được cắt rời ra và đẩy/nắn sao cho vừa vào vị trí phù hợp.
Ưu điểm của chỉnh hình cằm là mang lại kết quả có tính thẩm mỹ cao, hài hòa với khuôn mặt. Chiếc cằm mới là xương thật nên sẽ không bị biến đổi cả đời. Khả năng nhiễm trùng khi phẫu thuật cũng ít xảy ra hơn so với việc đặt vật liệu nhân tạo. Tuy nhiên, nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm, non tay nghề, việc phẫu thuật có thể không mang lại kết quả như ý. Cụ thể, cằm mới không hài hòa với khuôn mặt, hoặc vết mổ bị nhiễm trùng, không liền xương; tệ hơn nữa là cắt trúng động mạch lưỡi gây chảy máu khó cầm, cắt trúng tuyến nước bọt dưới lưỡi gây rò nước bọt…
Những ngày đầu sau phẫu thuật độn cằm hay chỉnh hình cằm, bệnh nhân nên tránh những va chạm trực tiếp vào vùng cằm vì có thể làm cho chiếc cằm mới bị lệch. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.