Phụ nữ online: Những rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ – TS BS Lê Tấn Hùng

1162

PNCN – Giải phẫu thẩm mỹ giúp “sửa lỗi của tạo hóa”, nhưng cũng không ít rủi ro và biến chứng có thể xảy ra.

Nguy cơ khi gây mê, gây tê

– TS BS Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, cảnh báo: Liều thuốc gây mê, gây tê – bước đầu tiên của cuộc mổ thẩm mỹ, có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ, thậm chí dẫn đến mất mạng. Vì thế cần lưu ý cho những trường hợp sau.

Có các bệnh lý về hô hấp: Thuốc mê có thể gây co thắt khí quản, phù nề đường thở, không thở được, gây rối loạn nhịp tim. Tình trạng này vẫn có khả năng xảy ra với những người có bệnh tiềm ẩn hoặc mắc những căn bệnh hiếm nhưng chưa tầm soát được (liên quan đến hô hấp, tim mạch). Tăng – hạ huyết áp đột ngột là những triệu chứng đồng thời gây nguy hiểm tính mạng.

Có tiền sử dễ bị dị ứng: Người bệnh rất dễ bị kích ứng thuốc mê, gây co thắt ở khí quản; dây thần kinh chi phối tim, phổi bị kích ứng dẫn đến ngưng hoạt động, gây nên tình trạng ngưng tim, ngưng thở và tử vong nếu không kịp cấp cứu.

Có bệnh lao phổi đang tiến triển: Không nên thực hiện các phẫu thuật có can thiệp gây mê, bởi khi khí mê vào phổi nhiều, có thể gây vỡ các nang lao trong phổi, phổi sẽ bị xẹp khiến người bệnh ngưng thở và tử vong nếu không kịp can thiệp.

Có cơ địa sẹo lồi: Khi đặt ống nội khí quản để gây mê, có thể làm trầy xước, tổn thương khí quản. Gây mê càng kéo dài, tổn thương càng lớn, tạo sẹo lồi trong lòng khí quản. Một thời gian sau, chỉ cần một cơn co thắt đột ngột (chẳng hạn như khi hắt xì), chiếc sẹo cũng có thể làm hẹp hoặc tắc đường thở, gây ngưng thở.

Có các bệnh lý về tim mạch: Thuốc mê có thể gây ngưng tim do khó kiểm soát được huyết áp; gây tổn thương cơ tim (với người bị tắc mạch vành); gây nhiễm trùng van tim (nếu bị bệnh lý van tim)… Các phòng mổ thẩm mỹ ở Việt Nam thường chỉ đạt tiêu chuẩn sạch chứ không vô trùng tuyệt đối, mà cuộc mổ kéo dài nhiều giờ nên rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng van/cơ/màng tim. Khi đó, máu sẽ kém lưu thông, nhiễm trùng làm áp xe cơ tim, hư tim.

Nguy cơ khi phẫu thuật

TS BS Lê Tấn Hùng, khoa Tạo hình thẩm mỹ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết:

Nâng ngực: Phẫu thuật nâng ngực được thực hiện sát lồng ngực nên có thể dẫn tới lủng phổi hay tổn thương cấu trúc xung quanh vùng mổ như thần kinh cảm giác. Khi đó, bạn sẽ chỉ có được bộ ngực đầy đặn nhưng vô cảm. Nếu đặt túi ngực sát da quá sẽ lộ túi ngực… Nếu đường mổ từ nách làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay và làm liệt dây thần kinh này thì bạn sẽ phải giã từ vĩnh viễn cánh tay của mình…

Giảm vòng eo: Khi lấy da, mỡ thừa vùng bụng, nếu lấy da hoặc khâu thắt eo nhiều quá, sẽ khiến ruột, dạ dày dồn lên ngực, gây ức chế hô hấp, người làm đẹp không thở được hoặc thở yếu. Phẫu thuật này cũng có nguy cơ làm lủng khoang ổ bụng, nếu phát hiện để xử lý kịp thời thì có thể khắc phục được hậu quả; nếu không xử lý kịp sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng ổ bụng và hậu quả thật khó lường.

Khuôn mặt chữ V: Phẫu thuật này có rủi ro rất lớn nếu BS yếu tay nghề, non kinh nghiệm. Xương có thể bị cháy trong lúc gọt, gây nhiễm trùng, khiến quá trình liền xương kéo dài hoặc liền không tốt, thậm chí xương không liền, dẫn đến hoại tử, kết quả: khuôn mặt sẽ biến dạng…

Căng da: Có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử da vùng mặt, tụ máu vùng mặt, liệt thần kinh mặt, mất cân đối mặt, kết quả là việc căng da mặt không duy trì được lâu, sẹo xấu…

Vùng mắt: Xung quanh mắt có nhiều cơ vận nhãn, khi thực hiện những phẫu thuật như cắt mí mắt, nhấn mí… dù chỉ làm tổn thương một cơ cũng có thể gây tật mắt lé, sụp mí khi cơ vùng mí bị liệt; phần máu bị tụ không được xử lý sẽ chèn vào thần kinh thị giác gây mù mắt; trường hợp cắt nhiều quá sẽ khiến mắt nhắm không kín, dẫn đến chứng khô mắt; hoặc có thể xảy ra chứng hở mi và kết quả sẽ bị chảy nước mắt sống cả đời.

Nguy cơ sau phẫu thuật

Không uống thuốc theo toa: Là thói quen xấu của nhiều người sau phẫu thuật thẩm mỹ. Toa thuốc uống bảy ngày nhưng người làm đẹp chỉ uống ba ngày, vì thấy không còn đau nên không chịu uống tiếp. Điều này có thể gây nhiễm trùng, áp xe vết mổ. Khi đó, vết thương có thể bị hở, bị biến dạng, thậm chí gây nhiễm trùng máu và tử vong.

Không tái khám đúng hẹn: Thông thường, BS hẹn tái khám sau một tuần, nhưng hai tuần người làm đẹp mới tới, khiến chỉ khâu hằn lên vết mổ, gây sẹo xấu.

Không giữ vệ sinh vết mổ: Không giữ khô, sạch vết thương, tự ý đắp các loại thuốc (thuốc mỡ không rõ nguồn gốc, kháng sinh…) do bạn bè mách hoặc tự tìm kiếm, hậu quả dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương. Tự ý mở thay băng, bôi các loại thuốc không có chỉ định của BS, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, di lệch các vật liệu cấy ghép.

Sau đặt túi ngực: Sẽ không được mặc áo ngực trong thời gian ba tháng, nhưng nhiều người lại không tuân thủ khiến hình dạng ngực xấu đi vì bị móp ở cạnh ngoài. Ngược lại, sau ba tháng cần phải mặc áo ngực song không ít người cứ muốn “thả rông”, kết quả, ngực nhanh bị xệ hơn so với thông thường. Khói thuốc lá, bia rượu và những tác động mạnh như xoa bóp, nhồi nặn sau phẫu thuật đặt túi ngực sẽ làm cho ngực bị cứng, sờ vào không mềm mại, tự nhiên. Việc xoa bóp mạnh làm vết mổ lâu lành hay thoa thuốc chống liền sẹo quá sớm đã tác động đến quá trình kéo mô sợi làm cho ngực bị cứng.

Sau hút mỡ, tái tạo thành bụng: Bệnh nhân cần tránh vận động mạnh, hay leo cầu thang quá sớm, tháo nịt bụng sớm… vì sẽ khiến da bụng không áp sát được vào cơ thành bụng, tạo nên một “khoang ảo” giữa da bụng và thành bụng. Kết quả là dịch sẽ tụ trong “khoang ảo” này, gây nên tình trạng nhiễm trùng. Sau xử lý nhiễm trùng có thể để lại di chứng là đống da lùng nhùng.

Sau nâng mũi: Sau khi vừa cắt chỉ, cần hạn chế tối đa những tác động có thể gây nhảy mũi (hắt xì) hay khói thuốc lá, khói bụi, mùi thức ăn… Nhiều người không kiêng được nên dẫn đến tình trạng sống mũi lồi hẳn ra ngoài. Vết thương trong giai đoạn lành thường gây ngứa, theo phản xạ, nhiều người lấy tay ngoáy mũi và kết quả là bị bung hai mép vết thương ở đầu mũi. Nếu để lâu, vết thương sẽ chảy nước, sống mũi bị đẩy ra, thậm chí nhiễm trùng vết thương.

Sau tạo mí mắt: Chỉ cần dùng cồn để sát trùng, nhưng nhiều người dùng loại thuốc kháng sinh uống để rắc lên vết thương, khiến cho vết thương bị sưng, tấy đỏ, nhiễm trùng, lở loét.

Sau nâng mông: Trong ba tuần đầu cần phải mặc quần định hình 24/24 giờ, hạn chế những tác động mạnh lên vùng mông, nhưng vì không tuân thủ nên đã dẫn tới tình trạng tạo thành các bao xơ quanh túi độn, khiến cho mông bị cứng, không có độ mềm mại, tự nhiên.