Thu hẹp cánh mũi và tạo hình đầu mũi
PNCN – “cánh mũi to bè, đầu mũi to khiến khuôn mặt thô, kém thanh tú, lỗ mũi rộng “hao tài”, làm sao để thu gọn cánh mũi và đầu mũi?” là băn khoăn của không ít người. TS.BS Lê Tấn Hùng, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện răng hàm mặt TP.HCM tư vấn, để thu hẹp cánh mũi, có ba kỹ thuật cho người làm đẹp lựa chọn gồm: thu hẹp cánh mũi từ bên trong, cắt cánh mũi từ đường rạch bên ngoài và chích chất làm đầy. với thu gọn đầu mũi, chỉ có cách duy nhất là phẫu thuật. Tùy vào sở thích và tình trạng cánh mũi, đầu mũi của người làm đẹp, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ thuật phù hợp nhất.
* Thu hẹp cánh mũi từ bên trong: Kỹ thuật này còn gọi là cuộn cánh mũi, có ưu điểm không để lại sẹo vì bác sĩ sẽ tạo đường rạch từ trong miệng, sau đó kéo chân cánh mũi vào trong bằng cách dùng chỉ khâu bóp hai bên cánh mũi. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ kéo được phần chân cánh mũi vào. Phần cánh mũi ở phía sau (phần mở rộng nhất của cánh mũi) không được thu hẹp tương ứng với phần chân cánh mũi. Với những người cơ địa sẹo lồi, cánh mũi không quá to, rộng, kỹ thuật này là lựa chọn tốt.
* Cắt cánh mũi: Đây là kỹ thuật hiệu quả nhất để thu hẹp những cánh mũi to bè, lỗ mũi quá rộng. Bác sĩ sẽ tạo đường rạch ở rãnh tiếp giáp giữa mũi và má, lật lớp da lên và cắt bớt cả phần sụn cánh mũi lẫn da phía ngoài và trong niêm mạc rồi may lại. Đường may được giấu trong đường rãnh mũi má nên hầu như không thấy sẹo. Những người có cơ địa sẹo lồi không nên chọn kỹ thuật này vì nguy cơ cao để lại sẹo xấu.
* Chích chất làm đầy: Người có cánh mũi không quá to, lỗ mũi không quá rộng có thể thử nghiệm thu hẹp cánh mũi bằng kỹ thuật này trước khi quyết định làm đẹp bằng dao kéo. Bác sĩ sẽ chích chất làm đầy vào sâu dưới xương gốc mũi để tạo lực đẩy cánh mũi vào bên trong. Vì lực đẩy này chỉ mang tính tương đối, tạo sự thay đổi không đáng kể, nên nhiều khả năng kết quả không như mong muốn của người làm đẹp. Nếu bác sĩ thực hiện không khéo, vùng da được chích phồng lên quá mức, đồng thời cánh mũi vẫn ở trạng thái ban đầu. Nguy hiểm hơn, nếu bác sĩ tiêm trúng mạch máu nuôi mũi, má, môi, có thể dẫn đến tắc nghẽn những mạch máu này, gây tình trạng hoại tử mũi, má, môi, rất khó để cứu vãn.
* Đầu mũi to: Nguyên nhân do phần sụn đầu mũi to và phần mô dày. Vì vậy, chỉ có một phương pháp là mổ hở để tạo hình lại phần sụn và cắt bớt phần mô mũi. Tuy đường mổ đi từ bên ngoài da vào, nhưng khá ngắn và nằm ở chân của trụ mũi, nên những người có cơ địa sẹo lồi có thể áp dụng. Trường hợp sau khi nâng sống mũi nhưng đầu mũi vẫn to, nguyên nhân có thể do bản thân đầu mũi đã to hoặc do đầu cây silicon đặt sống mũi to. Chỉ có một cách để biết chính xác nguyên nhân và giải quyết tận gốc là rút cây silicon ra. Khi đó, bác sĩ hoặc sẽ tạo hình cây silicon lại hoặc tạo hình đầu mũi.
Lưu ý: các kỹ thuật thu hẹp cánh mũi, tạo hình đầu mũi chỉ là dạng tiểu phẫu đơn giản nên không gây đau đớn cho người làm đẹp. Thời gian tiểu phẫu khoảng 30 – 60 phút tùy từng trường hợp; sau khi thực hiện, tuy phần mũi hơi sưng đỏ khoảng ba ngày, nhưng có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngay. Người làm đẹp cần tránh va chạm vào mũi, vì có thể gây rách vết thương, sụn mũi bị biến dạng, khiến vết thương lâu lành hoặc mũi biến hình. Mỗi kỹ thuật đều có những biến chứng như: mất cân xứng hai bên cánh mũi (bên to bên nhỏ, bên dày, bên mỏng); để lại sẹo xấu… nếu bác sĩ yếu tay nghề hoặc non kinh nghiệm. Chi phí thu hẹp cánh mũi khoảng bốn triệu đồng, tạo hình đầu mũi khoảng 10 triệu đồng.